Những con tim từ Căn Nhà May Mắn

Những con tim từ Căn Nhà May Mắn

 
Ngôi nhà của người khuyết tật




Trong chuyến đi Việt Nam vừa rồi KD có ghé thăm "Căn Nhà May Mắn" của Tim, một người bạn mà KD và Trịnh Hội đã quen từ nhiều năm.  Khán giả khắp nơi được biết đến Tim, người con gái Thụy Sĩ với con tim Việt Nam, qua chương trình Thúy Nga "Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam."  Riêng Trịnh Hội (TH) đã quen Tim từ những năm đầu tiên khi cô mới bước chân sang Việt Nam và bắt đầu làm việc từ thiện.  TH gặp Tim lần đầu tiên vào năm 1992 không phải ở Việt Nam mà là ở Bangkok!  Khi đó Tim chưa có tên Tim, vẫn còn là Aline và chưa biết nói tiếng Việt.  TH gặp Tim rất tình cờ, cũng như việc làm thiện nguyện của Tim là một sự tình cờ... hay cũng có thể là một sắp đặt mầu nhiệm nào đó mà chúng ta không thể biết trước được. 
TH gặp Tim giữa chợ trời (chợ "trời" hay chợ "đời"... cũng thế thôi).  Hôm đó TH đang trên đường từ Hong Kong trở về Melbourne sau khi làm việc thiện nguyện trong các trại tỵ nạn và đang đi lang thang để tìm mua một chiếc áo làm quà lưu niệm cho cô em gái.  Còn Tim thì mới từ Việt Nam ra.  TH tả là năm đó Tim còn rất trẻ và đẹp.  Hình như chỉ mới 18, 19 tuổi.  Là một họa sĩ, nhưng nhìn như một người mẫu chuyên nghiệp -  cao, gầy, trắng, tóc dài mượt.  Tất nhiên bây giờ Tim vẫn còn đẹp, một nét đẹp phát xuất từ tấm lòng mà thời gian không thể bôi xóa đuợc.  Hai người gặp nhau rồi bắt đầu nói chuyện. 
Tim kể cho TH nghe là Tim đang đi "ngao du" vòng vòng các nước lân cận rồi ghé đến Việt Nam.  Tim không có ý định ở lại lâu nhưng gặp những đứa trẻ mồ côi ngoài đường cô thấy tội quá không thể làm ngơ. Cô chỉ biết dắt những đứa bé đó về khách sạn tạm ở với cô, săn sóc cho ăn, cho ngủ.  Bây giờ visa hết hạn, cô phải bay ra Bangkok để xin visa trở vào Việt Nam lại.  Cô nói cô cũng không biết phải làm gì?   Tiếng Việt thì không biết một chữ, lại không quen biết ai và không hiểu một tí gì về những cơ quan làm việc ở Việt Nam.  Cô chỉ biết là cô phải trở về, hy vọng sẽ kiếm được một giải pháp nào hay một chỗ nào để nuôi những đứa bé này rồi cô mới an lòng ra đi.  Họ trao đổi số phone và địa chỉ liên lạc, rồi chia tay.  TH trở về Úc và Hong Kong để tiếp tục con đường luật khoa và việc làm tỵ nạn của anh, còn Tim trở lại Việt Nam để tiếp tục con đường... chông gai và mịt mờ.
Trong những năm tháng này hai người vẫn tiếp tục liên lạc với nhau qua thư từ viết tay (lúc đó chưa có email).  Lạ một điều TH là người Việt nhưng lại chuyên viết thư bằng tiếng Anh vì trong việc học cũng như việc làm, anh quen dùng Anh ngữ.  Ngược lại Tim thì hoàn toàn viết bằng tiếng Việt vì lúc đó cô đang học tiếng Việt.
Bốn năm sau, năm 1996, TH ra trường và được hãng luật Freehills ở Úc thuê và chuyển về Hà Nội làm việc.  Về đến Việt Nam, TH gặp lại Tim. Cô vẫn ở Việt Nam suốt thời gian qua!  Dự định ở lại Việt Nam của cô từ vài tuần kéo dài thành tháng, rồi năm... Lúc này thì tiếng Việt của Tim đã khá, cô đã đổi tên Aline thành Tim, theo cô nói cho dẽ đọc, và cô đã xây dựng được "Căn Nhà May Mắn".  Gọi là "căn nhà" cho oai chứ thật sự lúc đó nó chỉ là hai gian phòng chật hẹp, nóng nực, oi bức mà Tim cùng ở và nuôi mấy chục người tàn tật, mồ côi.  TH đến thăm Tim và đã hết sức xúc động trước cảnh Tim lăn xã vào tắm rửa, lau chùi, những vết máu mủ, lở loét của những người bán thân bất toại nằm liệt trên giường.  Sau này Tim mới có thêm người giúp việc chứ thời gian đầu Tim phải tự tay lo hết.  Ngoài những giờ làm việc mệt nhọc, chăm lo cho những người khuyết tật, Tim còn phải chạy ngược, chạy xuôi vận động các cơ quan từ thiện quốc tế gây qũy để có tiền trang trải hàng tháng.  Như vậy mà gặp ai cô cũng sẳn sàng nở một nụ cười.
Lần thứ nhất Kỳ Duyên trở về Việt Nam với TH, vào khoảng năm 2003, thì người đầu tiên TH đưa KD đến gặp là Tim.  Bấy giờ thì "Căn Nhà May Mắn" của cô đã trở thành căn nhà thật sự - có phòng làm việc, có nhà bếp, phòng ăn, phòng dạy vẽ, phòng dạy may, có cả phòng computer lab...v.v.  Tim đưa KD đi một tour.  Và có lẽ hình ảnh để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng KD là những người ngồi trên xe lăn đang tập vẽ, tập may. KD phục tinh thần bất khuất, sự cố gắng để vươn lên trong một hoàn cảnh thật khó khăn.
maisonchance.jpg
Tim hãnh diện khoe với KD những bức tranh, những con thú bông, những tấm sơn lụa của các người ở đây đã làm. Cô hy vọng là một ngày nào đó sẽ bán được những sản phẩm này để có thêm một nguồn tài trợ, và "Căn Nhà May Mắn" sẽ tự lập do chính bàn tay của những người sống ở đó tạo dựng.  Tim càng nói, càng phấn khởi vẻ mặt đầy niềm tin.  Nhưng thú thật lúc đó nhìn những bức tranh học trò và những con thú bông thô thiển thì KD không khỏi ngao ngán thầm nghĩ "Những thứ này thì ai mua? Mà có bán thì cũng được bao nhiêu tiền? Đành rằng người ta có thể ủng hộ vì lòng từ thiện nhưng nếu những món hàng không đẹp hoặc không có đủ phẩm chất thì về lâu về dài cũng khó mà phát triển được".  KD cũng thông cảm Tim chỉ có thể "truyền lại" những nghề mà cô biết - may vá, hội họa.  Và ngược lại trong khả năng hạn hẹp của những người tật nguyền thì có lẽ họ cũng chỉ học được những nghề này.  Đúng là "cái khó nó bó cái khôn."
Năm nay KD trở lại thăm Tim thì câu hỏi được đặt ngược trở lại "không biết ai khôn hơn ai?"  Tim cho KD coi những sản phẩm của "Căn Nhà May Mắn". Và không ngờ thật đẹp và thật khéo!  Những con thú bông dễ thương và tỉ mỉ y như những thứ mà chúng ta thường thấy trưng bầy ở những tiệm bán đồ con nít sang trọng trên Beverly Hills. Những giỏ sách tay băng gấm Thái Lan hoặc vải jean kết hợp trông lạ mắt, trẻ trung, và rất "funky".  Tim cười nhắc KD "Chị nhớ mấy năm trước chị tới đây không? Lúc đó may còn xấu quá phải vứt đi bao nhiêu, bây giờ mới làm đẹp được như vậy đó." Bấy giờ thì KD mới biết là mình sai vì KD nhìn sự việc một cách thực tế, còn Tim nhìn bằng hy vọng.  Và đôi khi hy vọng cũng đánh đổ được thực tế.
Tuy nhiên khi KD hỏi Tim là có bán được những thứ này cho các hãng không? Thì Tim ái ngại nói rằng Tim không dám nhận đặt hàng vì "công nhân" là những người bệnh tật thường phải nghỉ bất ngờ vì lý do sức khoẻ nên không thể bảo đảm là giao hàng đúng hạn.  Mà làm như vậy thì hãng lớn nào chịu làm ăn với mình?  Hiện giờ chỉ bán "lai rai" cho những người quen đến thăm Nhà May Mắn hoặc Tết này thì có mang ra hội chợ bán.
Dù gì thì KD cũng mừng cho Tim, hay nói đúng hơn là mừng cho những người kém may mắn ở Việt Nam, vì Tim vừa mới hoàn tất song "Căn Nhà Chấp Cánh" là trường học (từ mẫu giáo đến lớp sáu) dạy chữ cho những trẻ môi côi hoặc nghèo khó không có phương tiện đi học. Dự định kế tiếp của cô là "Làng May Mắn" có đủ tiện nghi cho những người đi xe lăn (wheelchair access).
Thăm Tim một buổi trước khi ra về KD có mua hai con heo con để làm quà cho đứa cháu gái. Nó tuổi heo nên bất cứ cái gì "heo" cũng sưu tầm.  Về đến nhà KD khoe cô bạn cũng từ Mỹ về, cô thích quá muốn mua cho con cô nên bắt KD phải chở cô ta lại chỗ Tim.  KD tưởng cô chỉ mua một vài con ai ngờ cô xách luôn một giỏ.  KD hỏi mua làm gì lắm thế?  Thì cô trả lởi "Mấy con này dễ thương quá, bên Mỹ tớ không thấy, mua về làm quà Tết đó mà."  KD ngạc nhiên "Tại sao lại làm quà Tết?" Cô ta cười hì hì "Ủa bà không biết sao?  Người Việt mình tin những con vật như cóc, rùa, voi là những linh vật mang đến cái hên."  Cô cầm 3 con cóc, 3 cỡ khác nhau lên ngắm "Đây nhé, cóc bố, cóc mẹ, cóc con, tui tặng nguyên cả gia đình cóc như vậy mà không hên sao được?"
Nghe cô nói KD mới chợt nghĩ tại sao mình không thử bán những sản phẩm của "Nhà May Mắn" trên Ky Duyen House (www.kyduyenhouse.com)?  Tất cả tiền lời sẽ hoàn toàn trao hết về cho Tim.  Thế là kỳ này trở về Mỹ KD không mang theo quần áo, bánh, mứt, hoa quả... những thứ mà KD định mua ở Việt Nam về làm quà Tết cho bà con bên Mỹ.  Lần này về 3 valise của KD chất đầy những hy vọng và tình thương gói ghém trong những con thú bông, những trái tim đủ màu thật dễ thương.
Ngày Valentine's đây sắp đến thay vì tặng nhau những cành hoa hồng chóng tàn, chúng ta hãy tặng nhau một "đóa tim" 12 cái từ "Căn Nhà May Mắn" để nâng cao tình yêu và tình người.

Để biết thêm về Tim và Căn Nhà May Mắn 
Theo nguồn : Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Share on Google Plus

About phamthaovnn

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét