Nhà May Mắn được ra đời tại một khu phố nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Mục đích của Tổ Chức nhằm giúp đỡ những người kém may mắn: trẻ mồ côi, trẻ em đường phố lang thang cơ nhỡ, và người khuyết tật. Mục tiêu ban đầu của Maison Chance là giúp cho những người kém may mắn này có được một mái ấm để họ có thể tìm lại được sự cân bằng của bản thân. Cũng tại đây, họ cũng được tạo điều kiện để tiếp tục học văn hóa và học nghề. Mục tiêu lâu dài của Tổ Chức là giúp cho đối tượng có khả năng tái hòa nhập với cộng đồng xã hội và có thể sống độc lập bằng chính khả năng kiếm sống của mình
Tổ Chức Maison Chance Tại Việt nam
Nhà May Mắn ra đời năm 1993 trong một huyện ngoại thành của Tp.HCM. Từ năm 1998, Tổ Chức Maison Chance là một tổ chức phi chính phủ được các cấp chính quyền Việt Nam chính thức nhìn nhận và được cấp phép chính thức hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Tim Aline Rebeaud là người sáng lập Nhà May Mắn (tổ chức Maison Chance). Với tư cách là người đại diện hội Maison Chance tại Việt Nam, cô cũng là người quản lý và điều hành cùng những người nhân viên khác.
Trích:
Địa chỉ 06/17 đường Tân Kỳ Tân Quý, Khu phố 4, Phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân, Sài Gòn - TP HCM, Việt Nam Phone (08) 3875 5171 Fax (08) 3875 5171 Website www.maison-chance.org |
Tim (Aline Rebeaud), điều hành Nhà May Mắn: Tình thương là sức mạnh
Đến khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM, hỏi thăm về Nhà May Mắn, rất nhiều người sốt sắng chỉ đường. Nhưng khi hỏi về Tim, người phụ nữ Thụy Sĩ gầy dựng và điều hành mái ấm của những mảnh đời bất hạnh này, thì những thông tin thu được từ những người dân sống chung quanh Nhà May Mắn chỉ là một lời khen ngợi: Cô ấy nói tiếng Việt rất sõi.
Gặp Tim không dễ. Đơn giản vì người phụ nữ này vô cùng bận rộn. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ những ngày Tim mới đến Việt Nam. Chị nói:
- Tôi học hội họa. Năm 1991, tôi và một họa sĩ Mông Cổ tổ chức triển lãm chung. Tranh bán được cũng khá. Tôi dùng khoản tiền bán tranh làm lộ phí cho chuyến du lịch kết hợp sáng tác từ Âu sang Á, đích đến là Mông Cổ. Phương tiện di chuyển chủ yếu là xe đò. Coi bản đồ châu Á, tôi thấy Việt Nam.
Hình ảnh dải đất hình chữ S làm tôi nhớ lại những câu chuyện mà những người bạn Việt Nam của tôi ở Thụy Sĩ, phần lớn là du học sinh từ trước năm 1975, thường kể. Có những điều tôi tin, có những điều tôi còn hồ nghi. Vậy thì đi cho biết. Sau mấy tháng ở Trung Quốc, tôi tới Hà Nội. Thời điểm đó là cuối năm 1992.
* Chuyến “đi cho biết” đã giữ chân chị ở lại Việt Nam 15 năm có lẻ. Tên thật của chị là Aline Rebeaud, vậy còn cái tên Tim do đâu mà có?
- Rời Hà Nội, tôi vào Huế học tiếng Việt. Gặp khó khăn do cách phát âm của người địa phương, tôi quyết định vào Sài Gòn, đăng ký học khoa Tiếng Việt, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Một đêm nọ, khi đang trên đường về chỗ trọ, tôi gặp một cậu bé ngồi so mình bên đống rác. Tôi đưa em nhỏ về nhà trọ nhưng lễ tân không đồng ý cho em lên phòng.
Sáng hôm sau, chúng tôi gặp lại nhau rồi cùng đón xích lô đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, hỏi cách giải quyết. Tôi dắt em qua các nhà mở, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi… nhưng vì nhiều lý do nên không nơi nào tiếp nhận. Đúng lúc đó thì tôi hết hạn thị thực, phải ra nước ngoài gia hạn. Không thể mang cậu bé theo, tôi gửi tạm em vào một trại mồ côi ở quận Gò Vấp. Nhưng lúc tôi quay lại thì nhân viên của trại nói em đã bỏ trốn.
Tiếp tục đi thăm mấy cơ sở xã hội xung quanh thành phố, thế rồi tôi gặp Trần Văn Thành - tên cậu bé - khi ghé Trung tâm Điều dưỡng Bệnh Tâm thần Thủ Đức. Mười hai tuổi, em đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một nhân viên điều dưỡng đã nói với tôi ngay trước mặt em rằng “thằng bé này sắp chết rồi, không cứu được đâu cô ơi”. Đành rằng em bệnh tật, đành rằng cơ sở y tế này thiếu thốn nhân lực, vật lực, không có chế độ điều trị cho những bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt như Thành nhưng chính câu nói đó đã giữ tôi ở lại.
Gõ cửa phòng giám đốc trung tâm, tôi đề nghị đưa Thành đi nơi khác điều trị. Sau khi ký giấy bảo lãnh, tôi làm thủ tục cho Thành nhập Viện Tim. Giống như những đồng nghiệp ở trung tâm điều dưỡng, các bác sĩ ở Viện Tim cũng tỏ ra bất lực đối với trường hợp của Thành. Em bị suy tim nặng, gan sưng lớn, phổi ứ nước (ống hút ra gần ba lít nước), ghẻ lở khắp người.
Còn nước còn tát, tôi ở lại viện chăm sóc em. Thế rồi phép màu gõ cửa. Sau ba tháng điều trị, Thành được phép xuất viện. Sự hồi phục của em không chỉ là niềm vui của riêng tôi, tập thể bác sĩ mà còn lan tỏa sang những bệnh nhân khác, thổi vào họ niềm lạc quan về khả năng chống chọi với bệnh tật. Bịn rịn tiễn chân chúng tôi ra khỏi cổng, những người nuôi bệnh mà tôi quen đã lấy chính cái tên của viện để đặt cho tôi.
Sau khi xuất viện, Thành về sống với tôi trong một căn nhà trọ ở khu Bà Quẹo, Quận Tân Bình. Thời gian ở đó, tôi gom thêm những trẻ em lang thang, mồ côi… về nuôi. Cuối năm 1994, chúng tôi mới mua được mảnh đất ở Bình Hưng Hòa để xây Nhà May Mắn.
* Ngoài những trẻ em lang thang, Nhà May Mắn còn cưu mang những người khuyết tật. Trịnh Hội - một người bạn của chị - đã viết: “… đến thăm Tim và đã hết sức xúc động trước cảnh Tim lăn xả vào tắm rửa, lau chùi những vết máu mủ, lở loét của những người bán thân bất toại nằm liệt trên giường. Sau này Tim mới có thêm người giúp việc chứ thời gian đầu Tim phải tự tay lo hết”. Theo chị, đâu là khó khăn lớn nhất khi chăm sóc những người khuyết tật?
- Tai nạn đã “dán” anh em xuống giường bệnh. Nếu không được chăm sóc đúng cách và kịp thời thì (những người khuyết tật - PV) sẽ rất dễ bị lở loét, nhiễm trùng… dẫn đến tử vong. Tôi đã từng nhờ một cô y tá ở gần nhà hàng ngày qua thay băng, xức thuốc… cho các anh em khi tôi có việc vắng nhà một tuần lễ. Cô ấy sốt sắng nhận lời. Tuy nhiên, khi nhìn thấy vết thương của những người tôi gửi gắm, cô ấy lập tức chùn tay, không dám đụng vô. Khó hay không là ở mình.
Những người khuyết tật khi gia nhập Nhà May Mắn sẽ trở thành cô chú, anh chị của những em nhỏ mồ côi. Ngược lại, các em nhỏ cũng phụ chúng tôi chăm sóc cho mấy chú, mấy anh. Sự khiếm khuyết của người này là chỗ dựa của người kia. Những mảnh vỡ của số phận ghép lại sẽ tạo ra một gia đình mới, cùng dìu nhau bước qua tật nguyền. Được chăm sóc, được san sẻ yêu thương sẽ tiếp thêm khát vọng sống cho những người khuyết tật.
* Mười hai năm kể từ khi Nhà May Mắn ra đời, chị tiếp tục đưa Trung tâm Chắp Cánh đi vào hoạt động vào đầu năm 2006. Sự tiếp nối này có thể được hiểu là bởi Nhà May Mắn đã trở nên quá tải?
- Đúng vậy. Khi chưa có Trung tâm Chắp Cánh, Nhà May Mắn vừa là nơi ở cho năm, sáu chục người, vừa làm lớp học. Bên cạnh những thành viên trong gia đình, chúng tôi còn dạy học cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Do lượng học sinh từ bên ngoài quá đông nên dù đã tổ chức học ba ca nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mặt khác, trẻ em nhiều khi rất hồn nhiên. Chẳng hạn, đang giờ học, có những em xin phép thầy cô đi vệ sinh rồi về nhà ngủ luôn hoặc chui vô bếp kiếm đồ ăn.
* Được biết những trẻ em địa phương khi vào Trung tâm Chắp Cánh đều được miễn học phí và nuôi cơm. Các em cần thỏa mãn những điều kiện gì, thưa chị?
- Đương nhiên. Không phải ai muốn vô cũng được. Chúng tôi có một tổ công tác xã hội, xác minh hoàn cảnh gia đình của từng em trước khi quyết định tiếp nhận. Nếu vì vấn đề tài chính, địa phương không giải quyết được thì trung tâm sẽ hỗ trợ một phần chi phí để các em được đến trường. Sống cùng những người thân trong gia đình dù thế nào vẫn tốt hơn.
Mặt khác, việc Trung tâm Chắp Cánh ra đời đã giúp chúng tôi có thêm mặt bằng để dạy nghề và phát triển sản xuất cho những anh em còn khỏe đôi tay. Bác sĩ khuyên rằng vận động thường xuyên sẽ khiến cho máu huyết lưu thông, đặc biệt là những anh chị em phải ngồi xe lăn. Hơn thế, làm việc còn giúp họ nhận ra giá trị bản thân thông qua những sản phẩm do chính tay mình tạo nên.
* Ý chị là nâng đỡ những người kém may mắn không chỉ bằng cách hô khẩu hiệu và giúp họ một cục tiền?
- Tôi nghĩ nên tạo điều kiện, khơi gợi để họ tự phát huy hết những khả năng của mình. Ở trên tôi có nói “Nhà May Mắn là nơi ở của năm sáu chục người” (con số không cố định - PV) là bởi khi đã tự trang trải cuộc sống, anh chị em đều tách ra thuê nhà ở riêng để nhường chỗ cho những người mới đến (hướng mắt sang căn phòng đối diện, nơi một người đàn ông khoảng 40 tuổi đang ngậm cọ quết màu lên toan). Anh ấy không được khỏe. Mặc dù đã vô phòng vật lý trị liệu trước khi đối diện với giá vẽ nhưng anh ấy cũng không ngồi được lâu. Mỗi hôm vẽ một chút. Có thể ngày mai, khi hoàn thành bức họa, anh ấy sẽ dành tặng cho người bạn gái của mình. Chắc hẳn cô ấy sẽ rất vui. Chắc hẳn gương mặt rạng rỡ của cô ấy sẽ an ủi anh. Mang lại niềm vui cho người khác thật khó khăn, với những người khuyết tật thì điều đó còn nhọc nhằn hơn rất nhiều.
* Đến giờ, chị còn vẽ không?
- Không. Lâu lắm rồi tôi không đụng đến cọ. Lúc nào tôi cũng cảm thấy thiếu thì giờ.
* Nếu thực sự đam mê thì ắt sẽ có cách sắp xếp thời gian?
- Tôi mê vẽ. Nhưng tôi còn mê công việc mình đang làm nhiều hơn.
* Một ngày làm việc của chị như thế nào?
- Tôi làm việc với nhân viên (30 người), tổ chức họp, tiếp khách đến thăm Nhà May Mắn, rồi gặp mấy em để giải quyết vấn đề này, vấn đề kia, trả lời điện thoại. Trung bình mỗi ngày tôi nhận khoảng 100 email, tôi thường trả lời vào buổi tối nên lúc xong thì cũng đã khoảng hai giờ sáng. Tôi ráng trả lời hết nếu không công việc ngày tiếp theo sẽ ùn lên. Những hôm họp trực tuyến với người nước ngoài thì phải thức trễ hơn do chênh lệch múi giờ.
* Có thể là thừa nhưng cách làm việc như phá sức của chị khiến tôi không thể không nhắc rằng chị là người cầm lái cho mái ấm này. Chị hoàn toàn có thể chia bớt việc cho những cộng sự?
- Những người cùng chung lưng đấu cật với tôi đến giờ này đều rất dễ thương. Họ cũng làm việc cật lực như tôi. Trong tương lai, nếu Nhà May Mắn có thêm cơ sở, chắc chắn sẽ cần thêm những người điều hành chuyên nghiệp. Hiện tại, trong nước cũng có những người có thể đảm đương được công việc này, nhưng tôi không đủ ngân khoản để trả cho họ mức lương tháng cả ngàn đôla.
Năm nay, Nhà May Mắn có ba em tốt nghiệp lớp 12. Có thể tôi sẽ gửi các em ra nước ngoài du học. Đi ra từ mái ấm này, các em sẽ dễ đồng cảm hơn, gắn bó bền chặt hơn so với người ngoài. Khi tôi không còn đủ sức khỏe, các em sẽ thay tôi tiếp tục điều hành ngôi nhà này.
* Thụy Sĩ, quê hương của chị, là một đất nước có mức sống thuộc loại cao nhất thế giới. Hẳn rằng chị đã chịu khá nhiều thiệt thòi khi chấp nhận “hội nhập” vào cuộc sống của những số phận bất hạnh?
- Tôi không gặp khó khăn gì khi hòa nhập vào cuộc sống của những người khổ. Tôi nghĩ những gì mình đã và đang làm là việc đúng đối với tôi, đối với đời tôi. Và tôi hạnh phúc khi làm điều đó.
* Vậy còn gia đình của chị thì sao, không lẽ cha mẹ chị chấp nhận để con gái “lưu lạc ở xứ người”?
- Thực ra, tôi tự lập khá sớm. Mười sáu tuổi, tôi đã sống được bằng tranh của mình. Ba má tôi biết con gái chín chắn trước tuổi nên cũng không lo lắng. Trước thềm năm mới, tôi có một niềm vui nho nhỏ. Sau mười lăm năm tôi sống và làm việc ở Việt Nam, lần đầu tiên cha tôi qua thăm tôi và cùng đón Tết Dương lịch với mọi người tại Nhà May Mắn.
Khi được yêu cầu phát biểu vài câu trong bữa tiệc đầu năm, ông nói: “Khi nghe con gái tôi nói muốn ở lại Việt Nam để làm công tác thiện nguyện, giúp người khổ, tôi nghĩ rằng con gái tôi bị “khùng”. Nhưng khi đến đây, chứng kiến những gì con gái tôi đã làm, thấy mọi người sống chan hòa với nhau như một gia đình, thì tôi biết con gái tôi khôn ngoan, không phải bị khùng đâu!”.
Ông cũng đang giúp tôi làm Tổng thư ký của Hội Maison Chance/Nhà May Mắn ở Thụy Sĩ. Ngoài ra, chúng tôi còn có một số chi nhánh ở Pháp, Canada, Mỹ… Trước đây, kinh phí duy trình hoạt động của Nhà May Mắn chủ yếu là từ nguồn của Hội Thụy Sĩ. Gần một năm nay, Nhà May Mắn được biết đến nhiều hơn sau khi một videoclip về chúng tôi được đưa lên Youtube (công cụ tìm kiếm những videoclip trên Internet - PV). Nhà May Mắn nhận được thêm nhiều sự giúp đỡ của bà con Việt kiều ở nước ngoài.
* Tôi đã được nghe về quy định tuyệt đối nghiêm cấm việc người ngoài tặng quà riêng cho cá nhân trong Nhà May Mắn. Chị có nghĩ rằng mình quá nghiêm khắc?
- Chuyện này tôi gặp hoài. Có những người nhờ tôi mang quà cho em X, chú Y… - những người xuất hiện trên videoclip. Tôi trả lời rằng thưa các anh, các chị, tôi hiểu được tấm lòng của các anh, các chị. Nhưng tôi mong các anh chị nghĩ lại. Việc người này nhận được quà còn những người khác thì không sẽ dẫn đến sự phân bì. Bản thân các thành viên trong Nhà May Mắn cũng được giáo dục là không bao giờ nhận quà riêng. Như vậy là không công bằng. Quản lý gần 300 con người, nếu không có kỷ luật thì mọi thứ sẽ rối beng.
* Nghe nói những tình nguyện viên đến làm việc cũng phải làm hợp đồng. Chuyện này thực hư ra sao?
- Trong 15 năm qua, đã có nhiều người tình nguyện vô, ra Nhà May Mắn. Có những trường hợp vì làm tình nguyện nên mình không thể biểu người ta phải làm cái này, cái kia. Nhiều khi những việc mình giao họ làm không tận lực, hoặc khi mình cần thì vì nhiều lý do mà họ vắng mặt, làm mất thì giờ hoặc hư chuyện. Sau này, những tình nguyện viên đến làm việc đều phải ký hợp đồng, quy định trách nhiệm rõ ràng. Tôi có cảm giác nhiều khi người ta lầm lẫn khái niệm công tác thiện nguyện với sự ban phát.
Một số mạnh thường quân từng ngụ lại Nhà May Mắn cũng vậy. Họ ở nước ngoài, quen dùng bữa có nhiều đồ ăn. Mình ăn cơm bình thường, so với người nghèo thì hơn, nhưng với người giàu thì làm sao bì được. Nhập gia tùy tục, đến Việt Nam thì phải ăn cơm như người Việt Nam chứ. Đáng ra đã tìm đến đây thì họ phải hiểu được điều đó, lại còn chê đồ ăn nhiều nước mắm, nhiều mỡ, nhiều xương… Nhưng đấy chỉ là những chuyện nhỏ, không phải chuyện lớn.
* Thế cái gì mới là chuyện lớn?
- Tôi nghĩ chuyện lớn thì mình làm thành chuyện nhỏ, còn chuyện nhỏ thì làm cho không có chuyện. Tất nhiên, cũng có những chuyện mình không thể đưa ra giải pháp lý tưởng thì cũng phải chấp nhận. Đời mà. Cái gì cũng hoàn hảo thì đâu cần đến sự có mặt của mình.
* Hơn mười lăm năm sống ở Việt Nam, điều gì làm chị khó chịu nhất?
- Tôi gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục hành chính. Để được thừa nhận một cách tương đối từ phía chính quyền, để công việc mình đang làm được hợp thức hóa đòi hỏi mình phải thật kiên nhẫn. Hồi đầu gặp đủ chuyện rắc rồi, bị hù dẹp nhà luôn. Cũng phải thôi, mình là trường hợp khá đặc biệt: người nước ngoài điều hành trực tiếp một mái ấm tình thương.
* Có khi nào chị cảm thấy nản chí?
- Mệt mỏi, chán nản thì có nhưng bỏ cuộc thì không. Tôi đã hứa với mấy chục con người rằng sẽ lo lắng cho họ. Tình thương là sức mạnh của mình. Trong thâm tâm, tôi đã quyết định gắn bó với mái ấm này cho đến cuối đời.
Chị đã thành lập những Hội Maison Chance/Nhà May Mắn ở nước ngoài để giúp đỡ những người Việt Nam bất hạnh. Tại sao chị không thành lập một hội như vậy ở Việt Nam, như vậy sẽ danh chính ngôn thuận hơn, và những thủ tục hành chính cũng sẽ bớt nhiêu khê hơn?
- Đó là một mong muốn của tôi. Nhưng để làm được điều đó, tôi phải là công dân Việt Nam. Năm ngoái, tôi có nghe chuyện một số cầu thủ nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam. Tôi cũng đã nhờ người hỏi thăm bên Sở Tư pháp TP.HCM và được trả lời rằng trường hợp của tôi có thể được chấp thuận. Thêm nữa, cứ sáu tháng, tôi lại phải đi nước ngoài để gia hạn thị thực, khá mất thì giờ. Nhưng đó không phải là việc cấp thiết nhất lúc này.
* Một chút tò mò. Vậy việc gì mới là cấp thiết nhất?
- Chúng tôi đang thực hiện dự án Làng May Mắn. Theo thiết kế, làng này sẽ có 40 căn hộ được thiết kế đặc biệt dành cho những người khuyết tật. Như đã nói ở trên, những anh em tự trang trải được cuộc sống đều đã ra ngoài thuê nhà trọ. Tuy nhiên, những căn phòng này rất bất tiện đối với người di chuyển bằng xe lăn. Họ không thể tự mình vào nhà được, mà phải nhờ người khác giúp. Những ngày mưa lớn, nếu không có ai giúp đỡ, thì họ phải dầm mưa, rất dễ bệnh.
Tôi muốn những anh em phải thực sự làm chủ mọi sinh hoạt của mình sau một ngày làm việc mệt nhoài. Nếu mọi việc suôn sẻ thì Tết năm sau, anh em sẽ đón Xuân trong nhà mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ xây dựng thêm một số căn dành cho các mạnh thường quân làm việc thiện nguyện ngắn hạn hoặc những người khuyết tật nước ngoài đến thăm, giao lưu, chia sẻ và trao đổi văn hóa.
* Việc duy trì hoạt động của Làng May Mắn cũng khá tốn kém?
- Dự toán chi phí xây dựng Làng May Mắn khoảng 1 triệu USD. May là chuyến đi châu Úc và Bắc Mỹ vừa rồi tôi đã quyên góp gần đủ. Tuy nhiên, chi phí phát sinh lại không lớn. Anh em sẽ trả một khoản phí thuê nhà tượng trưng cho ban quản lý. Phần còn lại là lợi nhuận từ một nhà hàng trong khuôn viên Nhà May Mắn. Nhà hàng này sẽ do chính những thành viên trong Nhà May Mắn phục vụ. Vấn đề còn lại chỉ là một số thủ tục để khởi công.
* Những em nhỏ chị gom về Nhà May Mắn nuôi dưỡng hơn 15 năm qua đều gọi chị là mẹ Tim. Có những người đã trưởng thành, lập gia đình, và sinh con. Đã khi nào các em muốn có ba chưa?
- Ngày cưới của tụi nhỏ, tôi làm chủ hôn. Có trường hợp tôi vừa là bà nội, vừa là bà ngoại. Tụi nhỏ thương mình lắm, muốn mình có hạnh phúc. Nhưng nếu lập gia đình riêng, rồi có con như người ta, thì làm sao còn đủ thời gian để quán xuyến hết mọi việc ở Nhà May Mắn. Tìm được một người thông cảm với công việc mình đang làm là một điều tốt.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị và những thành viên một năm mới dồi dào sức khỏe và mọi sự hanh thông.
Hãy làm việc bạn thích, bạn sẽ không phải đi làm một ngày nào cả.
Theo nguồn : NHIPSONGTRE.ORG
0 nhận xét :
Đăng nhận xét